Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, COPD là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong ở nước này. Hơn 11 triệu người tại Hoa Kỳ đã được chẩn đoán mắc bệnh COPD. Tuy nhiên, khoảng 24 triệu người có thể bị bệnh nhưng không biết. Trên thế giới, COPD ảnh hưởng đến khoảng 65 triệu người. Ở Việt Nam, những kết quả ban đầu trong nghiên cứu dịch tễ học (2011-2015) cho thấy, tỷ lệ mắc COPD là 4,2%. Mặc dù y học đã có nhiều cố gắng trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của COPD vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD: Chronic obstructive pulmonary disease) là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. COPD thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và những người có tiền sử hút thuốc, giai đoạn nặng của COPD tập trung đa số ở người cao tuổi. Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của COPD, bao gồm tiếp xúc kéo dài với các chất ô nhiễm không khí và bụi. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, gây ra khoảng 90 % trường hợp COPD.
COPD là gì mà có thể dẫn đến suy hô hấp và suy kiệt cơ thể?
Khi bạn hít vào, không khí giàu oxy đi xuống khí quản và vào các ống nhỏ nằm trong phổi của bạn. Những ống này được gọi là ống phế quản hoặc đường hô hấp. Phế quản chia ra thành nhiều nhánh nhỏ hơn nữa và mỏng hơn được gọi là tiểu phế quản. Vào cuối của các tiểu phế quản nhỏ, có túi khí tròn được gọi là phế nang, có mạch máu nhỏ gọi là mao mạch. Khi không khí đi vào các phế nang, oxy di chuyển qua các mao mạch và vào máu. Đồng thời, CO2, một loại khí cơ thể bạn không cần, di chuyển vào các phế nang, do đó bạn có thể thở đẩy nó ra.
Phổi, đường hô hấp và túi khí thường đàn hồi. Khi hít vào, chúng căng ra giống như quả bóng chứa đầy không khí. Khi thở ra, chúng xẹp xuống và đẩy không khí ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ở những người bị COPD, ít luồng không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp do: phổi, đường hô hấp và túi khí mất tính đàn hồi; hoặc vách ngăn giữa các túi khí bị phá hủy; thành của đường dẫn khí dày và sưng lên; hoặc chất nhầy đường hô hấp nhiều hơn bình thường, có thể làm tắc nghẽn đường hô hấp. Những vấn đề này thường được gây ra bởi khí phế thũng hay viêm phế quản mạn tính. Cả hai điều kiện này được gọi tắt là COPD.
Khí phế thũng xảy ra khi khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm không khí khác, chẳng hạn như bụi hoặc khói, làm hỏng vách ngăn giữa túi khí theo thời gian. Khi túi khí suy yếu, các vách ngăn vỡ ra, tạo ra một túi khí lớn thay vì nhiều cái nhỏ hơn. Điều này làm khó khăn hơn cho các mao mạch hấp thụ đủ lượng oxy cho cơ thể và để tống xuất hết CO2 ra khỏi cơ thể, làm cho dần dần khó thở.
Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi đường hô hấp bị viêm và tạo ra rất nhiều chất nhầy. Chất nhầy (đờm) gây ho và làm khó khăn hơn khi thở. Giống như khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính có thể phát triển khi bạn hút thuốc lá thường xuyên hoặc thường xuyên hít phải chất gây ô nhiễm không khí.
Biểu hiện của COPD
Các triệu chứng của COPD bao gồm: ho dai dẳng kèm khạc nhiều đờm; khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc khi tập thể dục; một âm thanh khò khè khi thở; biến dạng lồng ngực; tức ngực.
COPD có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Bạn nên đến phòng cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: khó nói chuyện hoặc khó thở; móng tay hoặc môi tím tái; thiếu sự tỉnh táo; nhịp tim rất nhanh; triệu chứng COPD ngày càng tồi tệ hơn, mặc dù đã điều trị đúng theo hướng dẫn.
Không hút thuốc lá có góp phần giảm COPD?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh COPD. Bao gồm khói thuốc lá, xì gà và hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc với khói thuốc lá khi ở gần người đang hút thuốc). Ở Việt Nam, nhiều người (nhất là người cao tuổi) còn có thói quen hút thuốc rê, thuốc lào và nhai thuốc lá kèm ăn trầu.
Khói thuốc lá qua khí quản và cuối cùng vào trong các ống phế quản. Khói độc hại di chuyển vào các tiểu phế quản, trong đó có phế nang, trong phế nang là các mao mạch. Khi bạn hít vào, oxy di chuyển qua các phế nang vào các mao mạch để đi tới cho các phần còn lại của cơ thể. Đồng thời, CO2 được vận chuyển từ các mao mạch vào các phế nang để loại bỏ khỏi cơ thể khi bạn thở ra. Quá trình này được gọi là một sự trao đổi khí.
Độ co giãn của các túi khí cho phép trao đổi này diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá cuối cùng phát triển tổn thương phổi. Điều này làm cho ít không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp do: sự cứng lại của các túi khí; suy thoái của các vách ngăn giữa túi khí; thành đường hô hấp dày lên và viêm; tăng sản xuất chất nhầy trong đường hô hấp, gây tắc nghẽn khí.
Khói thuốc lá chứa các chất độc hại có ảnh hưởng đến chức năng phổi. Độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của COPD. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn tiếp tục và lâu dài, phổi ngày càng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và suy thoái.
Bệnh COPD có chữa được không?
Không có cách chữa bệnh COPD đặc hiệu và tổn thương phổi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị y tế và điều chỉnh lối sống có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng COPD bao gồm: thuốc giãn phế quản, làm giãn các cơ xung quanh đường dẫn khí để thở dễ dàng hơn; glucocorticoid dạng hít, hay steroid giúp giảm viêm đường hô hấp sử dụng cùng với thuốc giãn phế quản; vaccin cúm và phế cầu khuẩn làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và viêm phổi, hạn chế các đợt cấp của COPD; các bài tập phục hồi chức năng phổi do các chuyên gia hướng dẫn; Liệu pháp oxy, đưa oxy vào cơ thể qua ống thông mũi hoặc mặt nạ để thở dễ dàng hơn; phẫu thuật loại bỏ các túi khí bị phá hủy làm dễ thở; phẫu thuật loại bỏ các mô phổi bị hư hỏng để cải thiện chức năng phổi; ghép phổi, là một phương pháp cuối cùng
Thay đổi lối sống có thể giảm bớt các triệu chứng COPD: bỏ hút thuốc; tránh khói thuốc lá và những nơi ô nhiễm không khí; chế độ ăn uống tăng cường các loại rau, thịt cá nạc và ngũ cốc; tập thể dục đều đặn hằng ngày.
Việc kết hợp các biện pháp y tế và điều chỉnh lối sống có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh COPD và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh COPD nếu bạn chưa mắc, hoặc ngăn ngừa COPD trở nặng là bỏ thuốc lá ngay lập tức và tránh khói thuốc lá. Cùng chung tay vì một cộng đồng “Không khói thuốc lá”.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc