Suy tim: Chẩn đoán và điều trị

Thứ hai - 06/08/2018 06:54
Suy tim là hội chứng lâm sàng phức tạp có nhiều triệu chứng cơ năng và thực thể tương đối đặc hiệu, do bất thường cấu trúc và/hoặc chức năng của tim dẫn đến giảm phân suất tống máu và/hoặc tăng áp lực trong tim lúc nghỉ hay gắng sức.

Nguyên nhân suy tim giảm tống máu có thể bao gồm bệnh lý tại cơ tim như bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhiễm độc cơ tim, tổn thương qua viêm hay miễn dịch; bệnh lý do tăng tải như tăng huyết áp, bệnh van tim, khiếm khuyết cấu trúc cơ tim, bệnh màng ngoài tim; các loạn nhịp nhanh và loạn nhịp chậm.

Tại các nước phát triển, tần suất suy tim khoảng 1 - 2% ở người lớn, gia tăng theo tuổi, đến ≥ 10% ở người trên 70 tuổi. Nguy cơ suốt đời về suy tim ở người > 55 tuổi là 33% ở nam và 28% ở nữ. Suy tim là vấn đề lớn của nhân loại về bệnh tật và tử vong, tuổi thọ càng cao càng gia tăng suy tim.

Chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim mạn khởi đầu dựa vào bệnh sử lâm sàng, khám thực thể và ECG (điện tâm đồ). Triệu chứng cơ năng của suy tim bao gồm:

Khó thở gắng sức.

Khó thở phải ngồi.

Cơn khó thở kịch phát về đêm.

Mệt, yếu sức, hồi phục chậm sau gắng sức.

Các phương tiện cận lâm sàng khác giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim bao gồm: điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim qua thành bụng, ảnh cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua thông tim.

Hiện nay chẩn đoán suy tim có phần dễ hơn nhờ áp dụng phổ biến siêu âm tim và đo chất chỉ điểm sinh học. Ảnh cộng hưởng từ hiệu quả trong phát hiện nguyên nhân suy tim như viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và cả bệnh tim thiếu máu cục bộ.

suy tim chan doan
Điện tâm đồ chẩn đoán suy tim mạn

Tiến bộ trong điều trị suy tim

Mục đích của điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện và tăng chất lượng sống của người bệnh. Nhiều biện pháp giúp phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển của suy tim hoặc phòng đột tử, từ trước khi bệnh nhân có triệu chứng cơ năng (giai đoạn A và B của suy tim).
Chỉ định loại I, ở giai đoạn A và B của suy tim là: điều trị tăng huyết áp, điều trị bằng statins bệnh nhân đang có hoặc có nguy cơ cao bệnh động mạch vành, sử dụng ức chế men chuyển bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái có hay không có triệu chứng cơ năng, sử dụng chẹn beta bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái không triệu chứng cơ năng sau nhồi máu cơ tim. Máy phá rung cấy được (ICD: implantable cardioverter defibrillatior) cần được thực hiện trên bệnh nhân bị suy tim giảm phân suất tống máu (PSTM < 30%) dù không triệu chứng cơ năng, do nguyên nhân thiếu máu cục bộ, ít nhất 40 ngày sau nhồi máu cơ tim cấp hoặc bệnh cơ tim giãn nở không thiếu máu cục bộ không triệu chứng cơ năng kèm theo PSTM ≤ 30% đã được điều trị nội tối ưu…

Các biện pháp điều trị khác như phẫu thuật van tim, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, tái lưu thông động mạch vành qua thông tim đều được chứng minh giảm tật bệnh và tử vong.

Chiến lược điều trị để đạt tối ưu:

- Bệnh nhân (người cao tuổi, bệnh thận mạn) cần thăm khám thường xuyên và xét nghiệm khi chỉnh liều thuốc.

- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn trước và trong khi chỉnh liều, huyết áp tư thế đứng, tần số tim.

- Chỉnh liều từng loại thuốc.

Theo dõi chức năng thận và điện giải (creatinine, ion đồ).

- Trấn an bệnh nhân nếu tăng liều có cảm giác mệt và yếu tăng, tuy nhiên dấu sinh tồn ổn.

- Khuyên bệnh nhân không tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc ngưng thuốc theo ý kiến chuyên gia khác.

Kiểm tra cẩn thận liều lượng thuốc giảm triệu chứng suy tim (thí dụ như lợi tiểu, nitrates) khi tăng liều thuốc.

Cân nhắc giảm liều hay ngưng một loại thuốc khi có biến cố cấp ngoài tim (như: nhiễm trùng phổi, thiếu nước…).

Hướng dẫn bệnh nhân, gia đình, các bệnh nhân khác về lợi điểm của điều trị theo khuyến cáo.
 

Mục đích của điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện và tăng chất lượng sống của người bệnh


 

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây