Chọn thuốc chữa viêm xoang

Thứ bảy - 12/11/2016 10:40
Thời tiết chuyển mùa cùng khí hậu hanh khô và lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm xoang phát triển.

Thời tiết chuyển mùa cùng khí hậu hanh khô và lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm xoang phát triển. Khi bị bệnh viêm xoang, nhiều bệnh nhân lạm dụng thuốc nhỏ mũi nên đã rơi vào vòng luẩn quẩn: tắc mũi - nhỏ mũi -tắc mũi do thuốc… khiến việc điều trị trở nên dai dẳng. Tuy nhiên, khi hiểu rõ bản chất của viêm xoang và không dùng thuốc nhỏ mũi tùy tiện thì việc điều trị sẽ không còn “lai rai như tai mũi họng” nữa…

Nguyên nhân nào gây viêm xoang?

Xoang là những hốc rỗng chứa không khí nằm trong xương gò má, quanh mắt và phía sau mũi. Xoang tạo ra những chất nhầy, giúp làm ẩm, làm ấm và lọc không khí khi chúng ta hít thở. Bình thường, những chất nhầy này sẽ được thoát xuống mũi. Tuy nhiên, khi có sự tắc nghẽn cản trở thoát dịch nhầy sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Viêm xoang được chia ra nhiều thể, nhưng trong bài viết này chỉ đề cập đến viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính.

Viêm xoang cấp là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi, cản trở thoát nước, tạo ra chất nhờn gây ứ đọng, dẫn đến các triệu chứng viêm xoang. Viêm xoang cấp thường có biểu hiện kéo dài không quá 8 tuần. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời sẽ làm triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần, khi đó gọi là viêm xoang mãn tính và chúng có thể gây ra nhiều biến chứng viêm xoang nguy hiểm. Các yếu tố gây bệnh thường là: vi khuẩn; virut; nấm; những người có bất thường về mũi (vẹo vách ngăn, lệch vách ngăn mũi, những khối u trong mũi).

Cho dù cấp tính hay mạn tính, triệu chứng của viêm xoang cũng thường tiến triển sau khi bị cảm lạnh hoặc trong thời gian bị viêm mũi dị ứng nặng, bị liên tục kéo dài. Biểu hiện rõ ràng nhất của viêm xoang là đau nhức do áp lực ở má và trán. Các triệu chứng khác bao gồm: chảy nước mũi đặc màu vàng hoặc xanh; chảy dịch vùng mũi sau, thay đổi vị giác; ho; nghẹt mũi; trong một số trường hợp, viêm xoang cấp có thể có sốt…
 

Dùng thuốc nào điều trị bệnh?

Việc điều trị viêm xoang tùy thuộc nguyên nhân, mức độ và thời gian mắc bệnh. Trên 70% bệnh nhân viêm xoang cấp do dị ứng thời tiết hoặc virut thì bệnh tự hồi phục mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Tuy nhiên, khi bệnh nhân khó chịu quá với các triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm triệu chứng viêm xoang, bao gồm:

Thuốc chống sung huyết làm thông mũi có thể làm giảm triệu chứng và tăng thoát dịch nhiễm khuẩn. Nhiều bệnh nhân sử dụng nước muối để rửa mũi cũng cải thiện bệnh đáng kể. Các loại thuốc thông mũi bao gồm thuốc nhỏ và xịt có chứa phenylephrin, oxymetazolin. Các loại thuốc này cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ được dùng trong thời gian ngắn, nếu không có thể bệnh nhân sẽ gặp lại tình trạng tắc mũi nghiêm trọng hơn.

Khi có triệu chứng đau đầu, nhức nhối nhiều, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Việc sử dụng kháng sinh đường uống kết hợp thuốc nhỏ mũi, thuốc chống phù nề, thuốc kháng viêm… có thể rút ngắn thời gian bị viêm xoang do nhiễm khuẩn nặng và cũng có thể làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng. Tuy nhiên, việc chọn lựa kháng sinh, liều dùng, đường dùng, thời gian sử dụng cho từng bệnh nhân… cũng rất quan trọng, quyết định việc thành công trong điều trị bệnh hay không. Việc lạm dụng kháng sinh quá mức trong giai đoạn hiện nay tại nước ta đã tạo ra một tỷ lệ tương đối cao các loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, bác sĩ chỉ nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp có nhiễm khuẩn và chỉ chọn loại kháng sinh có độ nhạy cao đối với vi khuẩn gây bệnh. Các thuốc dùng để điều trị viêm xoang do nhiễm khuẩn bao gồm amoxicillin, doxycycline hoặc thuốc kết hợp trimethoprim - sulfamethoxazole. Nếu nhiễm khuẩn không hết hoặc nếu viêm xoang tái phát, bác sĩ có thể thử một kháng sinh khác.

Khi bị viêm xoang do nấm, bệnh nhân có thể được chỉ định các thuốc kháng nấm như amphotericin B hoặc voriconazole. Các liều thuốc cũng như thời gian điều trị bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Thuốc xịt mũi corticosteroid có thể sử dụng cho viêm xoang tái phát nhưng cần sự chỉ định của bác sĩ vì sử dụng sai chỉ định hoặc lạm dụng corticoisteroid có thể gây ra nhiều tai biến nặng nề.

Nếu viêm xoang do dị ứng, có thể sử dụng thuốc kháng dị ứng để điều trị triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên kích thích. Vệ sinh môi trường làm giảm dị ứng nguyên rất quan trọng đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng do bụi, nấm mốc, lông thú vật…

Khi viêm xoang không đáp ứng với tất cả các biện pháp điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể là một chọn lựa. Tuy nhiên, cần phải xem xét đến nhiều yếu tố tình trạng bệnh lý và vấn đề dị ứng.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây