1. Thuốc huyết áp là gì?
Chỉ số huyết áp được ghi bằng hai con số, con số cao hơn (huyết áp tâm thu) là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Con số thấp hơn (huyết áp tâm trương) áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.
Bác sĩ sẽ xem xét chỉ số huyết áp khi quyết định kê đơn thuốc. Chỉ số huyết áp từ 140 / 90mmHg trở lên được coi là cao. Huyết áp cao có thể gây ra một loạt các tình trạng sức khỏe, như đau tim, đột quỵ… Vì vậy, việc sử dụng thuốc huyết áp đóng vai trò quan trọng trong điều trị.
Có nhiều loại thuốc có sẵn để kiểm soát huyết áp cao nhưng thường ở dạng viên nén và được dùng một lần một ngày. Ví dụ như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn alpha và các thuốc lợi tiểu khác...
2. Thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân cao huyết áp
Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, hơn 21.000 bệnh nhân huyết áp cao nhận thấy rằng việc bảo vệ chống lại cơn đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh về tuần hoàn không bị ảnh hưởng bởi việc dùng thuốc huyết áp vào buổi sáng hay buổi tối.
Những người tham gia được theo dõi trong 5 năm. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt ở nhóm sử dụng thuốc vào buổi sáng và cả nhóm uống thuốc vào buổi tối.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ các trường Đại học Edinburgh, Dundee, Glasgow và Oxford, Đại học Hoàng gia London, và Đại học Queen Mary của London.
"Thông điệp chính từ nghiên cứu là không có thời điểm tối ưu để uống thuốc huyết áp đạt được kết quả tốt hơn, vì vậy bệnh nhân nên uống thuốc vào thời điểm nhất quán phù hợp nhất với mình", Giáo sư David Webb, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc