Vì vậy, rối loạn tiêu hóa là điều khó tránh khỏi, trong trường hợp này có thể dùng thuốc gì để khắc phục?
Triệu chứng thường gặp
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng do sự co thắt bất thường của các cơ vòng ở hệ tiêu hóa gây nên triệu chứng đau bụng, đầy hơi và thay đổi đại tiện.
Đau bụng: Cơn đau bụng thay đổi tùy theo từng trường hợp như có cơn đau nhẹ, lâm râm, có khi lại quặn bụng từng cơn, nặng bụng, sình bụng, xót bụng, rát bụng hoặc đau nhiều như dao cắt... Cơn đau xảy ra liên tục, đau nhẹ suốt ngày, đau co thắt, đau nhức từng cơn.
Đầy hơi: Là một triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa; bụng có thể căng to ra như cái trống kèm theo biểu hiện ợ hơi hay trung tiện liên tục.
Thay đổi đại tiện: Thường tiến triển chậm nhưng càng về sau càng trở nên nặng, sự thay đổi thói quen vệ sinh hàng ngày có biểu hiện rõ như đi đại tiện thất thường. Người rối loạn tiêu hóa cảm thấy đau bụng từng cơn, có lúc táo bón, có khi tiêu chảy…
Chọn thuốc nào để bệnh nhanh khỏi?
Các thuốc thường dùng để ứng phó với tình trạng này như sau:
Neopeptine: Đây là men tiêu hoá chứa các enzym giúp tiêu hóa thức ăn, dùng trong trường hợp đầy hơi, trướng bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hoá… do ăn uống quá nhiều khiến cho men tiêu hoá của cơ thể không tiết ra đủ để tiêu hoá thức ăn cần bổ sung men tiêu hoá từ bên ngoài vào.
Men tiêu hoá có tác dụng làm tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, chống đầy hơi, tăng khả năng hấp thụ thức ăn qua màng ruột. Nên dùng thuốc sau bữa ăn. Không được lạm dụng, vì dùng dài ngày sẽ gây tác dụng ngược do lượng men tiêu hoá được cung cấp nhiều từ bên ngoài sẽ ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hoá nội sinh có trong cơ thể. Thông thường nên dùng trong khoảng 7-10 ngày...
Bisacodyl: Dùng trong trường hợp rối loạn tiêu hoá gây táo bón. Thuốc làm tăng nhu động do tác dụng trực tiếp lên cơ trơn ruột bởi kích thích đám rối thần kinh trong thành ruột; thuốc cũng làm tăng tích lũy ion và dịch thể trong đại tràng… làm cho việc đi ngoài dễ dàng hơn. Lưu ý không được sử dụng thuốc trong trường hợp nghi tắc ruột, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau bụng cấp tính, viêm đại tràng cấp tính hoặc bị trĩ ngoại và mất nước nghiêm trọng. Viên bao bisacodyl được sản xuất để chỉ phân rã ở ruột, do đó không được nhai thuốc trước khi uống; các thuốc kháng acid và sữa cũng phải uống cách xa một giờ. Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến đại tràng mất trương lực, không hoạt động và chứng giảm kali máu. Vì vậy cần tránh dùng các thuốc nhuận tràng kéo dài quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của thầy thuốc.
Maalox: Được dùng khi bị chứng khó tiêu, đầy bụng kèm theo ợ chua do thừa axit dịch vị. Thuốc có tác dụng kháng axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc thực quản, niêm mạc dạ dày - tá tràng, điều trị chứng đầy bụng, chậm tiêu. Không dùng thuốc cho người suy thận nặng.
Domperidon: Dùng thuốc khi sự co bóp dạ dày kém, dẫn đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm gây buồn nôn, nôn. Không dùng thuốc cho người có tiền sử chảy máu dạ dày, nghẽn ruột, phụ nữ có thai.
Loperamide: Được chỉ định dùng điều trị rối loạn tiêu hoá gây tiêu chảy cấp tính không do nhiễm khuẩn sau khi bù nước và điện giải bằng oresol. Thuốc làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hoá và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Không dùng loperamide cho trẻ em dưới 12 tuổi và người già.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bị rối loạn tiêu hóa có kèm tiêu chảy, trước tiên cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol, nếu không có sẵn oresol có thể thay thế bằng nước cháo muối hoặc nước đường muối, pha 1 thìa cà phê muối với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước để uống; không được dùng thuốc để cầm tiêu chảy trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc. Khi tình trạng rối loạn tiêu hoá trở nên khó kiểm soát như người bệnh cảm thấy bị đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn, người mệt mỏi, mồ hôi vã, đau đầu, hoa mắt chóng mắt… cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Để hạn chế bị rối loạn tiêu hoá trong dịp Tết, mọi người nên ăn uống điều độ, ăn thực phẩm tươi mới, hạn chế ăn những món ăn lạ... |
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được thành thập theo Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, là Bệnh viện hạng II tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh, có chức năng, nhiệm vụ, cụ thể như sau: 1. Chức năng: Khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn...