Sử dụng corticoid trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ năm - 31/05/2018 06:04
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một loại bệnh do biến chứng của viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và hen phế quản ở mức độ không hồi phục. Ðây là loại bệnh mạn tính nặng cần có biện pháp phòng và điều trị sớm.
BPTNMT (Chronic obsttructive pulmonary disease-COPD) là một bệnh có đặc điểm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên bị hạn chế không hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần, tiến triển từ từ và có liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại gây ra.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Thuốc lá: Là nguyên nhân chính của bệnh. Hút thuốc lá bao gồm cả hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động đều làm tăng nguy cơ bị BPTNMT gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Ngừng hút thuốc làm giảm các yếu tố trên.

Yếu tố môi trường: Tiếp xúc nặng nề với bụi và hóa chất nghề nghiệp, ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà, sương mù hoặc độ ẩm, nhiệt độ quá dao động, không khí lạnh có thể làm cho khí quản co thắt.

Nhiễm trùng đường hô hấp gây tổn thương lớp tế bào biểu mô đường hô hấp, do đó làm giảm khả năng chống đỡ của phổi khiến tăng nguy cơ bị bệnh.

Với các biểu hiện khó thở, ho và khạc đờm mạn tính. Khó thở tiến triển tăng dần, nặng lên khi gắng sức và thiếu không khí. Đờm nhầy, trong trừ đợt cấp có đờm màu vàng. Bất kỳ đặc điểm nào của khạc đờm mạn tính đều gợi ý BPTNMT.

ho tro ho hap cho nguoi mac benh phoi tac nghen man tinh 235b0
Hỗ trợ hô hấp cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Sử dụng corticoid trong điều trị

Về điều trị: Trước tiên, cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, khói bụi để giảm kích thích phổi, làm giảm triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở và làm chậm lại sự giảm chức năng hô hấp.

Dùng các thuốc giãn phế quản như các chất cường giao cảm kích thích beta 2 tác dụng ngắn (salbutamol, terbutalin), tác dụng kéo dài (serevent) tác dụng giãn phế quản. Thuốc kháng cholinergic để làm ức chế sự tăng trương lực phế quản và sự co thắt phế quản. Dạng phun xịt định liều, khí dung dạng kết hợp với các thuốc kích thích beta 2 như combivent, berodual. Dùng kháng sinh, loãng đờm trong những đợt cấp, nhiễm trùng.

Nhìn chung, hiệu quả của việc sử dụng corticoid ở bệnh nhân bị BPTNMT kém hơn so với hiệu quả trên hen phế quản. Corticoid được chỉ định ở bệnh nhân BPTNMT giai đoạn nặng (khi thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) < 50%) và có đợt cấp lặp đi lặp lại trong 3 năm gần đây. Dùng corticoid dạng uống kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, gây loãng xương, hoại tử xương, tăng huyết áp, teo cơ, giảm sức đề kháng của cơ thể,... nên khi bị BPTNMT chỉ dùng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn (5-14 ngày) giúp cải thiện chức năng hô hấp. Sau giai đoạn cấp, có thể chuyển sang dùng corticoid dạng phun hít. Tuy corticoid dạng phun hít (ICS) ít có tác dụng hơn dạng uống nhưng lại được sử dụng rộng rãi hơn vì tính an toàn của nó. Ở dạng phun hít, thuốc có tác dụng trực tiếp lên đường dẫn khí nên ít có ảnh hưởng đến toàn thân như dạng uống. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, ở bệnh nhân BPTNMT dùng ICS ít làm thay đổi quá trình giảm đi của FEV1, tuy nhiên, nó làm chậm lại tốc độ suy giảm của FEV1.

Ngoài ra, dùng thường xuyên ICS làm giảm đáng kể số đợt bùng phát và cải thiện tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Việc dừng đột ngột dạng thuốc này có thể làm tăng số đợt bùng phát bệnh ở một số bệnh nhân, vì thế, sử dụng corticoid dạng phun hít cần thực hiện đều đặn, không dừng thuốc đột ngột. Không chỉ định dùng ICS ở giai đoạn sớm hơn của BPTNMT do lợi ích mang lại không rõ rệt mà còn làm gia tăng tình trạng viêm phổi. Tiêm vaccin phòng cúm và phòng phế cầu là giải pháp làm giảm tình trạng viêm phổi và giảm các đợt cấp của BPTNMT. Việc kết hợp giữa một thuốc ICS với một thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic kéo dài dạng hít (salmeterol/fluticasone và formoterol/budesonide) được sử dụng phổ biến và được chứng minh là có hiệu quả hơn so với dùng hai thuốc này riêng rẽ. Ngoài ra, có thể dùng dạng kết hợp hai loại trên với thuốc kháng cholinergic - thuốc làm giảm trương lực và tính kích thích của cơ trơn phế quản, sẽ càng làm chậm lại rõ rệt tốc độ giảm của FEV1. Vì thế, đây được coi là lựa chọn ưu tiên trên bệnh nhân bị BPTNMT giai đoạn III trở lên có FEV1<50% và nhiều đợt cấp tái phát. Do thuốc dùng dưới dạng phun hít nên tác dụng trực tiếp tại đường dẫn khí mà ít chịu tác dụng phụ của các thuốc. Ngoài ra, liệu pháp ôxy kéo dài được áp dụng để làm giảm tình trạng khó thở và tăng thông khí ở phổi cho bệnh nhân.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây