Thuốc trị bệnh zona

Thứ năm - 05/07/2018 15:43
Bệnh zona là một tình trạng nổi mụn gây đau nhức ở da do virut Varicella-zoster gây ra. Đây cũng là loại virut gây ra bệnh thủy đậu (đậu mùa, trái rạ).

Ngày nay, việc chẩn đoán zona trên lâm sàng không còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cần có sự can thiệp điều trị một cách kịp thời và đúng đắn của các bác sĩ để có thể hạn chế tối đa những tổn thương cũng như biến chứng của bệnh.

Nhận biết bệnh như thế nào?

Trong thời kỳ tiền triệu của zona, bệnh nhân có thể nhức đầu, sợ ánh sáng, khó ở, nhưng hiếm khi có sốt. Bệnh khởi đầu với các cảm giác da bất thường khu trú, bao quát từ ngứa hoặc đau nhói đến đau dữ dội, có trước các tổn thương da từ 1 đến 5 ngày. Cơn đau với cường độ khác nhau xảy ra ở hầu hết các bệnh nhân bị mắc zona. Một phát ban hồng hay dát sẩn tiến triển thành các cụm mụn nước từ 3- 5 ngày sau. Lành tổn thương thường diễn ra sau 2- 4 tuần, thường để lại sẹo với những thay đổi màu da vĩnh viễn. Với các đặc điểm tổn thương trên da của bệnh zona đủ để giúp chẩn đoán chính xác trên lâm sàng. Tuy vậy, vị trí hoặc hình dạng và các tổn thương ngoài da có thể không điển hình, đặc biệt đối với những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp rất nhiều cho người mắc bệnh, giảm thiểu các triệu chứng của bệnh, đặc biệt sẽ hạn chế được biến chứng đáng sợ nhất của zona, đó là đau thần kinh sau zona (là tình trạng đau nhức kéo dài trên 30 ngày từ sau khi bị zona).

cac hinh thai ton thuong zona
Các hình thái tổn thương zona.

Các thuốc điều trị bệnh

Thuốc kháng virut: Hiện nay có 3 dược chất được chấp thuận và sử dụng trong điều trị zona, đó là acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Liệu pháp kháng virut đường uống được khuyến nghị sử dụng điều trị zona ở người lớn tuổi có chức năng miễn dịch bình thường và chức năng thận bình thường. Khi điều trị bằng acyclovir sẽ làm rút ngắn thời gian bài xuất virut. Thuốc cũng có tác dụng làm ngưng sự hình thành tổn thương mới nhanh chóng hơn, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo và giảm độ nặng của cơn đau cấp do bệnh zona gây ra cho bệnh nhân. Valacyclovir à một tiền chất của acyclovir, sản sinh nồng độ acyclovir huyết thanh cao gấp 3-5 lần nồng độ đạt được. Mặc dù valacyclovir và acyclovir cùng mang lại tiến độ lành da như nhau, nhưng vancyclovir rút ngắn thời gian khỏi cơn đau thần kinh do zona gây ra cho bệnh nhân. Famciclovir cũng có kết quả tốt trong việc làm giảm thời gian bài xuất virut, hạn chế hình thành tổn thương mới và đẩy nhanh việc liền sẹo.

Cả 3 thuốc acyclovir, valacyclovir, famciclovir đều tỏ ra an toàn và dung nạp tốt, mặc dù cần phải điều chỉnh liều dùng ở những bệnh nhân bị suy thận. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một thuốc nào trong 3 thuốc trên được chấp nhận cho sử dụng ở phụ nữ có thai. Hiện tại, valacyclovir và famciclovir được ưa chuộng sử dụng hơn acyclovir vì có dược động học tốt hơn và chế độ sử dụng thuốc đơn giản hơn.

Việc sử dụng sớm liệu pháp kháng virut để điều trị zona sẽ giúp làm giảm những biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện sau này, đặc biệt đối với những đối tượng bệnh nhân có khả năng mắc biến chứng cao như người già, những người bị zona mắt và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Do vậy, để có kết quả tốt nhất nên sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi khởi phát các tổn thương.Vẫn có ý kiến cho rằng liệu pháp kháng virut không bắt buộc ở những bệnh nhân trẻ hơn bị zona không biến chứng, mặc dù liệu pháp này có lợi ích và nguy cơ tai biến rất thấp.

Thuốc giảm đau: Đau thần kinh do bệnh zona rất khó chịu, với cảm giác nhức nhối, rát bỏng như dao đâm, điện giật. Đau có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm, kèm theo một số rối loạn cảm giác khác nhau, đặc trưng nhất là loạn cảm giác đau (áo quần bị tiếp xúc với vùng da bị ảnh hưởng, dù chỉ chạm nhẹ, cũng có thể gây đau dữ dội). Do vậy, nếu bệnh nhân bị đau sau zona thần kinh thì phải dùng các thuốc giảm đau từ dạng kem bôi, miếng dán đến thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Thậm chí, nhiều trường hợp do đau quá còn dẫn đến tình trạng mất ngủ, có dấu hiệu trầm cảm thì phải dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc này phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, bởi các thuốc đều có những tác dụng không mong muốn. Chẳng hạn như thuốc giảm đau oxycodon là thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện sẽ gây táo bón, gây nghiện, nên hạn chế dùng. Hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin, nortriptylin có thể làm an thần, gây lú lẫn, bí tiểu, hạ huyết áp tư thế, khô miệng, loạn nhịp tim (nên hạn chế dùng cho người cao tuổi).

Khi mắc zona, người bệnh nên đi khám cẩn thận tại các cơ sở y tế và phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị của bác sĩ. Tránh trường hợp điều trị theo lối truyền miệng, tự ý bôi, đắp các chất lạ lên vết thương... sẽ có thể mang lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây