Chuẩn bị phương án chi tiết cho từng cấp độ dịch
Theo báo nhanh từ Sở Y tế, đến nay Hà Tĩnh chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS -CoV-2. Hiện toàn tỉnh có 7 trường hợp đang cách ly tại các bệnh viện; 801 trường hợp cách ly tại các khu cách ly tập trung; 1.716 trường hợp đi từ vùng có dịch đang được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú .
Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng nhu cầu với từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương rà soát các trường hợp có yếu tố nguy cơ để phân loại, theo dõi và tiến hành biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.
Tỉnh cũng đã thành lập các chốt trên trục quốc lộ, ga tàu để kiểm tra, thu thập thông tin hành khách về Hà Tĩnh, nhanh chóng phân loại trường hợp có yếu tố nguy cơ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ban Chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo thành lập thêm các khu cách ly y tế tập trung tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các cơ sở quân sự và khảo sát thêm địa điểm mới tại một số địa phương để nâng cao khả năng tiếp nhận lao động từ nước ngoài về ngày một đông.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã rà soát, hoàn thiện phương án cách ly tập trung trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị phương án khu cách ly tập trung tuyến xã để tiếp nhận người của địa phương mình đi về từ vùng dịch nhằm giảm áp lực cho cơ sở cách ly tập trung cấp tỉnh.
Các cấp, ngành đã thành lập đoàn tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đôn đốc thực hiện đồng bộ hoạt động phòng chống dịch từ cửa khẩu, hải cảng, cơ quan, xí nghiệp, khu vực tập trung đông người.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng người đi từ Lào, Thái Lan nhập cảnh qua Cửa khẩu Chalo (Quảng Bình), Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo rất nhiều và về cùng lúc số lượng lớn nên gây khó khăn cho các khu cách ly tập trung của tỉnh; tình trạng vật tư hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch khan hiếm.
Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành liên quan cũng đã báo cáo phương án chi tiết về phòng chống dịch bệnh theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phòng chống dịch của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Tuy vậy, tình hình dịch bệnh hiện đã chuyển sang giai đoạn mới nên tỉnh cần có phương án, kịch bản ứng phó mới, nhất là khi Hà Tĩnh vẫn đang là địa phương có nguy cơ dịch xâm nhập cao, bởi số lượng người từ các nước Lào, Thái Lan và các tỉnh có dịch trở về rất đông.
Để tiếp tục ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, công tác thông tin tuyên truyền đến tận người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Muốn làm được vậy thì cần có hệ thống chuyển tải thông tin hiệu quả, trong đó hàng đầu là tin nhắn, truyền thanh cơ sở, báo chí, truyền hình. Ngành y tế chịu trách nhiệm cung cấp thông tin; Ban Tuyên giáo thực hiện tốt việc quản lý, định hướng; Sở TT&TT đảm bảo về mặt hạ tầng để thông tin; MTTQ và các đoàn thể phát huy vai trò trong việc chuyển tải thông tin đến người dân.
“Các thông tin tuyên truyền cần đúng, thường xuyên, kịp thời để người dân tự giác thực hiện, không gây hoang mang, lo lắng. Ngành Công an, Sở TT&TT phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp tung tin sai lệch.” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ngành chức năng phối hợp ngăn ngừa từ xa các nguy cơ về dịch, nhất là nguy cơ từ những người đi từ các nước, các tỉnh khác trở về.
Đối với khu vực cửa khẩu, cần tổ chức phân luồng, phân loại người ngay từ đầu; Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn về qua đường tiểu ngạch; ngành GTVT bố trí đầy đủ phương tiện để đón, đưa người về khu cách ly, trang bị đầy đủ bảo hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lái xe; lực lượng công an, giao thông phối hợp với các lực lượng khác soát xét, nắm chắc để quản lý đối với khách từ các tỉnh khác trở về Hà Tĩnh; các địa phương, ngành chuyên môn tăng cường nắm bắt thông tin ở cơ sở đối với những người nội tại ở Hà Tĩnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ.
Trong công tác cách ly, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu về mặt nguyên tắc, người địa phương nào thì về tại khu cách ly ở địa phương đó, nhưng với điều kiện khu cách ly phải đảm bảo cơ sở vật chất, công tác hậu cần và làm tốt công tác quản lý, điều hành. Cần huy động lực lượng phụ nữ, đoàn thanh niên vào cuộc để hỗ trợ, hạn chế cách ly tại nhà.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu ngành VH-TT&DL chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý lễ hội, việc cưới, việc tang; người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần nêu gương trong thực hiện các nội dung về việc cưới, việc tang trong tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch; ngành tài chính xây dựng dự toán kinh phí phòng chống dịch phù hợp, sát với tình hình để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; ngành công an tiếp tục đảm bảo về ANTT nói chung và tại các khu vực cách ly.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Trong công tác phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy sẽ chịu trách nhiệm toàn diện, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổng chỉ huy điều hành về mặt quản lý nhà nước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tổng chỉ huy ở khối MTTQ và các đoàn thể".
Cùng với nhiệm vụ chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, các cấp quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để ngưng trệ; tổ chức tốt đại hội đảng bộ cơ sở.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ Hà Tĩnh phòng chống dịch. Cụ thể: Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 5 tỷ đồng, Công Ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn hỗ trợ 500 triệu đồng. Đây là nguồn lực quý giá để Hà Tĩnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid- 19 trong thời gian tới. |
Ý kiến bạn đọc
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được thành lập vào năm 1957, tiền thân là bệnh xá Linh Cảm gồm 30 giường bệnh. Giai đoạn từ 1957 đến 1962: Do Bs Nguyễn Huy Thiệu làm Bệnh xá Trưởng Giai đoạn từ 1962 đến 1968: Do Bs Nguyễn Văn Dậu Làm Giám đốc Giai đoạn từ 1968 đến 1973: Do Bs...