Sáng ngày 1/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành có liên quan tại Hà Tĩnh. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, UV Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo các ban ngành có liên quan làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Lê Ngọc Châu, TUV, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình thực hiện công tác y tế 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế. 9 tháng qua, ngành Y tế đã làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh (KCB) và các chương trình mục tiêu y tế, dân số. Tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn xảy ra, chỉ có 14 trường hợp sốt xuất huyết rải rác trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác KCB được thực hiện có hiệu quả, tình hình thu dung và điều trị bệnh nhân tại các tuyến tăng mạnh; số lượt bệnh nhân KCB 9 tháng tăng 4%, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 16% so với cùng kỳ. Tổ chức KCB đảm bảo theo đúng các quy chế chuyên môn, từng bước mở rộng triển khai các kỹ thuật mới, chỉ định sử dụng thuốc an toàn, chất lượng KCB ngày càng được nâng lên. Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải y tế, thực hiện bệnh viện xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tinh thái độ phục vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó cũng thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục sự cố môi trường biển, quản lý hành nghề y dược tư nhân…
Tại hội nghị, đồng chí Giám đốc sở Y tế cũng đã thẳng thắn nêu ra một số tồn tại và khó khăn của ngành Y tế thời gian qua như: cơ cấu tổ chức, năng lực đội ngũ cán bộ cũng như chất lượng hoạt động của các đơn vị còn khó khăn, bất cập và hạn chế; chưa thực hiện đầy đủ, có hiệu quả một số chức năng nhiệm vụ được giao. Đội ngũ bác sĩ thiếu và chuyên môn chưa cao. Năng lực quản lý bệnh viện và đổi mới cơ chế tài chính còn hạn chế; việc thông tuyến khám chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng khó khăn cho các cơ sở y tế.
Để lĩnh vực Y tế Hà Tĩnh phát triển hơn trong thời gian tới, ngành cũng có những đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần duy trì nguồn vốn trái phiếu của chính phủ cho lĩnh vực y tế; sớm phê duyệt đề án tăng cường y tế cơ sở giảm tải cho tuyến trên; nâng mức lương khởi điểm cho cán bộ y tế; nâng cấp bệnh viện Cẩm Xuyên tiến tới xây dựng bệnh viện y tế biển đảo; nâng quy mô giường bệnh, khuôn viên tại bệnh viện đa khoa tỉnh; sớm hoàn thiện cổng thông tin dữ liệu y tế và bổ sung thêm các dữ liệu chức năng; ưu tiên nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trạm y tế vùng bị ảnh hưởng; sớm đẩy nhanh lộ trình BHYT tiến tới BHYT toàn dân; sửa đổi Thông tư 41 về khoán quỹ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh; sửa đổi, bổ sung quy trình giám định BHYT.
Tại buổi làm việc các thành viên trong đoàn của Bộ Y tế đã đánh giá cao về công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, phát triển chuyên môn, kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin…của y tế Hà Tĩnh trong thời gian qua. Đồng thời, đoàn của Bộ Y tế cũng đã có các ý kiến liên quan nhằm giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hệ thống y tế khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở; vấn đề phát triển kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị, BHYT, phòng chống dịch bệnh, ATVSTP, quản lý hành nghề y dược tư nhân và các cơ chế chính sách... Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn cũng đề nghị ngành Y tế cần tăng cường phối hợp giám sát phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh Zika và sốt xuất huyết; tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đẩy mạnh bệnh viện vệ tinh, đề án 1816; thay đổi thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường khám, quản lý sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng. Quản lý tốt mô hình bệnh tật, nhất là bệnh không lây nhiễm. Cần có đề án chính sách thu hút nguồn nhân lực và đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển chuyên môn…
Phát biểu tại buổi làm việc PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Hà Tĩnh. Riêng về lĩnh vực Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: đề án tinh giản biên chế của Trung ương là cuộc cách mạng, Bộ trưởng nhất trí với lộ trình của tỉnh về đề án tinh giản biên chế đã và đang triển khai, đề nghị tỉnh và ngành y tế cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Về mô hình y tế tuyến huyện tạm để riêng Chi cục dân số, còn Bệnh viện và Trung tâm y tế dự phòng cần nhập lại; Trạm y tế xã cần cử cán bộ lên tuyến trên để học tập kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn. Lộ trình thời gian tới toàn quốc sẽ nhập các đơn vị Y tế tuyến huyện thành Trung tâm Y tế; nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc. Cùng với đó, thời gian tới, Hà Tĩnh cần nâng cấp Trường Cao Đẳng Y tế lên Trường Đại học điều dưỡng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT nhằm hướng tới BHYT toàn dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bệnh viện đa khoa tỉnh cần có quy mô lớn hơn, tăng lên 1.000 giường bệnh, mở rộng khuôn viên. Nâng cấp hệ thống mạng lưới y học cổ truyền, quy hoạch phát triển dược liệu, vùng chuyên canh. Lộ trình sắp tới Bộ sẽ xây dựng Học viện Y học dân tộc gắn với Y học cổ truyền tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đồng thời, Hà Tĩnh cần đăng ký xây dựng mô hình bác sĩ gia đình. Tiếp tục lấy mẫu hải sản tầng đáy và hải sản lưu trữ tại các kho đông lạnh gửi kiểm nghiệm. Tăng cường quản lý tài chính, quản lý bệnh viện. Nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân, giảm tải bệnh nhân chuyển tuyến...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Quốc Khánh, UV Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cảm ơn Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên trong đoàn đã giành thời gian đến kiểm tra và làm việc với Hà Tĩnh. Đồng thời tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Thời gian tới Hà Tĩnh cần Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa, đặc biệt Hà Tĩnh mong muốn Bộ Y tế quan tâm đến lĩnh vực Y học cổ truyền; phát triển mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư một số trang thiết bị kỹ thuật cao cho các cơ sở y tế, nhằm phát triển lĩnh vực y tế tại địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.