Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11/2016: Hãy sống lành mạnh, khoa học để phòng chống bệnh đái tháo đường

Thứ sáu - 11/11/2016 09:48
Bệnh đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là bệnh mạn tính do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất.
Đái tháo đường có hai loại: Đái tháo đường type 1 xảy ra khi cơ thể không thể tạo ra đủ insulin, những người mắc đái tháo đường type 1 cần dùng insulin hằng ngày để điều chỉnh lượng đường glucose trong máu. Đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể  không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, các triệu chứng có thể giống với bệnh tiểu đường type 1 nhưng thường không rõ ràng, đôi khi không có triệu chứng. Bệnh có thể tiếp diễn trong nhiều năm, chẩn đoán không ra cho đến khi có biến chứng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng vì diễn biến âm thầm của bệnh làm cho người bệnh dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng, làm suy yếu sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như: biến chứng tim mạch, biến chứng về mắt, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, nhiễm trùng làm tổn thương bộ phận cơ thể như các chi, có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Những biện pháp đơn giản để phòng chống bệnh đái tháo đường

Trong những năm qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu đã tăng lên khá nhanh. WHO cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường chỉ riêng khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ tăng từ 138 triệu người năm 2014 lên 202 triệu người vào năm 2035 nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Tại Việt Nam, các nghiên cứu mới đây cho thấy, sau 10 năm từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh. Đặc biệt, bệnh đái tháo đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh đái tháo đường như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Theo Kết quả Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam 2015 (STEPS 2015) và Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở Việt Nam (GATS 2015) do Bộ Y tế công bố gần đây, 57,2% dân số trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo 400g/1 ngày của WHO. Khuyến cáo về hoạt động thể lực của WHO là cường độ trung bình ít nhất 150 phút/1 tuần thì gần 1/3 dân số Việt Nam không đạt được mức. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng các chất rượu, bia, thuốc lá vẫn ở mức cao. Việt Nam có 15,6 triệu người hút thuốc là (tương đương 45,3%) và thuộc nhóm các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới; Tỷ lệ người dân thừa cân, béo phì là 15,6%, đặc biệt là tỷ lệ thừa cân, béo phì tại khu vực thành thị là 21,3%. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong thời gian tới.

Chung tay phòng chống bệnh đái tháo đường

Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2016 được WHO lấy chủ đề là Phòng chống bệnh đái tháo đường, nhằm nâng cao nhân thức của công đồng, kêu gọi người dân chung tay phòng chống căn bệnh này. WHO khuyến cáo người dân thực hiện bốn biện pháp đơn giản để phòng chống bệnh là: nắm đầy đủ thông tin về bệnh để biết được các nguy cơ của mình và làm theo lời khuyên của bác sĩ; có chế độ ăn uống hợp lý nhằm kiểm soát cân nặng và lượng mỡ dư thừa, đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây bệnh đái tháo đường type 2, do vậy, cần ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm tự nhiên còn tươi, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm nhiều chất béo; tăng cường hoạt động thể lực, chọn một môn thể thao để luyện tập. Đi bộ là phương pháp dễ thực hiện và không gây tốn kém; Kiểm tra lượng đường máu, tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đây là chiến lược đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất được Liên đoàn Đái tháo đường thế giới khuyến cáo. Bệnh nhân đái tháo đường không có triệu chứng sẽ được điều trị một cách phù hợp ngay từ đầu. Bệnh đái tháo đường hiện không chữa khỏi hoàn toàn nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh. Hiện nay, việc kiểm tra đường máu khá dễ dàng và ít tốn kém.

Để dự phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường, Bộ Y tế khuyến nghị cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường. Bộ cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, ban hành các chính sách, hướng dẫn để tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho người dân. Hệ thống y tế cũng cần được củng cố, tiếp tục nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện, đồng thời chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sỹ gia đình để truyền thông vận động xã hội, thay đổi hành vi, phòng chống yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân, đồng thời bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng.

Để đầy lùi bệnh đái tháo đường cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là từ mỗi cá nhân trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các cấp, các ngành trong phòng chống bệnh đái tháo đường tại cộng đồng.
 

Nguồn tin: Theo: t5g.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây