Hút thuốc lá và các nguy cơ nhiễm COVID-19

Thứ hai - 31/05/2021 15:35
Những người hút thuốc lá thường mắc phải nhiều bệnh, nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Thời gian qua, mỗi năm tại Hà Tĩnh có hàng trăm bệnh nhân COPD nhập viện cấp cứu vì các cơn khó thở cấp tính và có một số trường hợp đã tử vong. Để hạn chế tình trạng bệnh cấp tính, giảm nguy cơ tử vong, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn tỉnh đã thành lập Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản (HPQ).
Bác sĩ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho rằng: “Trên 90% bệnh nhân điều trị bệnh COPD tại bệnh viện Phổi đều có liên quan đến thuốc lá. Với những người bị bệnh COPD thì phổi của họ đã yếu sẵn, nên nếu bị lây nhiễm COVID-19 thì bệnh sẽ nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong.Vì thế, với những bạn trẻ đang có ý định muốn thử hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, thì hãy từ bỏ ý định đó vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Với những người đang hút thuốc lá, đặc biệt là những người đang mắc phải những bệnh có liên quan đến thuốc lá, thì cần phải điều trị cai thuốc lá và từ bỏ thuốc lá ngay.Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm hệ thống y tế đang có áp lực vì dịch COVID-19”.
z2523107625777 896eba25220560ec9754472b2568ebcb 3469c
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh COPD.

Năm 2019, bệnh viện Phổi thành lập Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản (HPQ), đến nay đã quản lý điều trị cho hơn 600 người. Bệnh nhân Nguyễn Văn Quang, 61 tuổi, ở xã Ích Hậu, Lộc Hà bộc bạch: “Lúc còn trẻ, mỗi ngày tôi hút 1 đến 2 gói thuốc lá, nhiều lần bị ho nhưng tôi vẫn chủ quan đến khi thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, đi khám thì biết mình bị COPD. 4 năm nay mỗi năm tôi vào điều trị nội trú 2 lần tại Bệnh viện Phổi và hiện đang được quản lý điều trị ngoại trú tại đây.Từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 tôi rất lo lắng, sợ nguy cơ lây nhiễm nên tôi đã từ bỏ thuốc lá và kiểm soát tốt bệnh COPD theo hướng dẫn của bác sĩ”.

Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đưa Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, HPQ vào hoạt động từ tháng 10 năm 2020, đến nay đã quản lý điều trị cho hơn 400 người, trong số này có đến hơn 90% bệnh nhân COPD hút thuốc lá. Bệnh nhân Nguyễn Đình Dũng, 81 tuổi, Thị trấn Tây Sơn chia sẻ: “Tôi bị bệnh COPD khoảng 3 năm. Nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, đến đây điều trị tôi thấy bác sĩ rất tận tình, dặn dò chu đáo. Tôi đã nghe lời bác sĩ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe phòng tránh bệnh COVID-19. Nay bệnh đỡ hơn nhiều”.

Hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã thành lập đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản.

Theo bác sĩ Trương Quang Thắng, Tổ trưởng Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, HPQ, Bệnh viện đa khoa Thành phố.“Hiện tại Đơn vị có trên 400 bệnh nhân COPD, HPQ, trong đó COPD hơn 300 bệnh nhân; có đến trên 90% bệnh nhân COPD điều trị tại bệnh viện có tiền sử hút thuốc lá. Những bệnh nhân COPD tuân thủ điều trị theo sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ thì hầu hết bỏ thuốc lá, giảm ít đợt cấp và mức độ cấp, giảm số lần nhập viện nội trú và cải thiện được sức khỏe, tăng chất lượng sống”.

Ngoài việc hệ hô hấp bị ức chế, làm giảm khả năng bảo vệ của hệ hô hấp, tế bào niêm mạc đường hô hấp và các phế nang ở phổi bị tổn thương nhiều hơn, khiến vi rút SARS-CoV-2 sẽ dễ xâm nhập hơn. Thì khi hút thuốc lá sẽ phải tháo khẩu trang ra để hút và họ sẽ phải dùng tay để tiếp xúc với thuốc lá, bật lửa, lúc này sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi rút vào cơ thể. Nếu họ mời nhau thuốc hoặc sử dụng bật lửa chung thì càng dễ lây nếu có người nhiễm trong nhóm này. Người hút thuốc lá lại tập trung cùng 1 khu vực để hút thì nguy cơ lây bệnh lại càng cao.

Bác sĩ Trương Quang Thắng, Tổ trưởng Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, HPQ, Bệnh viện đa khoa Thành phố kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị COPD tại bệnh viện
Trong tình hình bệnh dịch COVID-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp và nghiêm trọng như lúc này, những người còn đang hút thuốc lá thì phải ngưng ngay lập tức, những người đã bỏ thì đừng hút trở lại. Đồng thời, chúng ta cần tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y Tế trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Hãy vì sức khỏe của bản thân, người thân và cả cộng đồng ngưng ngay thuốc lá lúc này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới(TCYTTG), hiện nay trên Thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới(TCYTTG) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, TCYTTG kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của TCYTTG. Còn tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%.

Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây