Trong quá trình khám chữa bệnh, người bệnh có thể chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này sang cơ sở khác theo yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật hoặc theo nguyện vọng cá nhân. Trong quá trình này người dân cần năm rõ những hình thức chuyển tuyến bảo hiểm y tế, mức hưởng khi khám, chữa bệnh chuyển tuyến để đảm bảo quyền lợi của mình.
Tuyến chuyên môn kỹ thuật được chia làm 4 tuyến như sau:
- Tuyến Trung ương và tương đương (tuyến 1);
- Tuyến tỉnh và tương đương (tuyến 2);
- Tuyến huyện, quận, thị xã và tương đương (tuyến 3);
- Tuyến xã, phường, thị trấn và tương đương (tuyến 4).
Hiện nay, có 03 hình thức chuyển tuyến bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên
- Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự như tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên.
- Chuyển người bệnh không theo trình tự trên nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.
Thứ hai, chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.
Thứ ba, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, khi chuyển tuyến khám chữa bệnh bạn cần phải mang theo các giấy tờ sau:
+ Thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; hoặc thẻ BHYT chưa có ảnh kèm một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân; hoặc Giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó trong trường hợp đang cấp lại thẻ.
+ Giấy chuyển tuyến
Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định là một trong những trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Khi đó, người bệnh sẽ được hưởng mức thanh toán bảo hiểm y tế khi có giấy chuyển tuyến như sau:
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng:
+ Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ;…
+ Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
+ Trẻ em dưới 6 tuổi;
+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
+ Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
+ Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở,
- 95% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công với cách mạng; hộ cận nghèo,…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT: Các đối tượng còn lại.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4750/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.
Tại quyết định này, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung thêm 2 bảng dữ liệu mới gồm bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ ngày 1/4, cơ quan Bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1/7/2024.
Cũng theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử), VssID (Bảo hiểm xã hội số).
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực như, phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến bảo hiểm y tế, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế. Đồng thời, giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến hay tái khám. Cùng với đó, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến và hỗ trợ cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế...
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được thành thập theo Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, là Bệnh viện hạng II tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh, có chức năng, nhiệm vụ, cụ thể như sau: 1. Chức năng: Khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn...