Quên thẻ BHYT thì cung cấp số của thẻ BHYT và thẻ căn cước, hoặc giấy từ chứng minh thân nhân còn hiệu lực…
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất quy định, người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp số thẻ BHYT hoặc xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân còn giá trị hiệu lực; Chứng minh nhân dân còn giá trị hiệu lực (bao gồm cả chứng minh quân đội); Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực; Thẻ học sinh, sinh viên, học viên còn giá trị hiệu lực (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm chứng minh minh nhân dân); Các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.
Dự thảo này cũng nêu rõ, trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh thì có trách nhiệm cung cấp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số của thẻ BHYT và một trong các giấy tờ trên.
Trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh và không cung cấp được các thông tin trên thì sẽ phải thanh toán như đối với người không có thẻ BHYT và chỉ được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ BHYT.
Không được tạm giữ thẻ BHYT của người bệnh
Tại dự thảo này, Bộ Y tế cũng nêu rõ, cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT và không được tạm giữ thẻ BHYT của người bệnh.
Trường hợp cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ BHYT, giấy chuyển viện, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 1 lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn
Dự thảo nêu rõ, trường hợp thời gian chuyển tuyến chuyển tiếp qua hai năm thì người bệnh có trách nhiệm thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng hiệu lực của thẻ y tế vào ngày 1/1 của năm mới, trừ đối tượng là người hưu trí. Ví dụ: Giấy chuyển tuyến được cấp vào ngày 30/11/2017 thì sẽ có giá trị đến hết ngày 30/11/2018 nhưng đến ngày 1/1/2018 nếu người bệnh vẫn đang được điều trị nội trú thì phải cũng cấp thông tin về việc mình có được cấp hay không được cấp thẻ bảo hiểm năm 2018 hoặc có hay không thay đổi về đối tượng được cấp thẻ BHYT năm 2018 cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người đó đang điều trị.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc sử dụng giấy hẹn khám lại (bao gồm cả giấy ra viện có ghi lịch hẹn khám lại) như sau: Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 1 lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp sử dụng y bạ hoặc sổ điều trị bệnh dài ngày. Việc xác định lần khám dựa theo ngày hẹn khám lại được ghi trong y bạ hoặc sổ điều trị bệnh dài ngày.
Trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến; kiểm tra lần cuối cùng tình trạng người bệnh trước khi chuyển; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc