Về tổ chức bộ máy ngành Y tế, theo Đề án ngành Y tế báo cáo tại buổi làm việc: Phương án chung sẽ thống nhất mô hình quản lý theo Ngành từ tỉnh đến cơ sở; Sáp nhập các trung tâm tuyến tỉnh có cùng chức năng tương đồng; Thành lập trung tâm y tế huyện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh; Sắp xếp lại các trạm y tế xã (phường, thị trấn) theo vùng 1,2,3. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ theo Thông tư 33/2015/TT- BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế; bổ sung chức năng, nhiệm vụ về công tác dân số và công tác y tế học đường; Kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị còn lại theo các văn bản hướng dẫn.
Phương án sắp xếp cụ thể: Sở Y tế: Giữ nguyên cơ cấu 06 phòng hiện có. Các cơ quan quản lý nhà nước: Giữ nguyên tổ chức bộ máy Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; các chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; cơ cấu tổ chức của các chi cục không quá 03 phòng. Các đơn vị sự nghiệp công lập:
Tuyến tỉnh: thực hiện sáp nhập 6 trung tâm để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Chuyển một phần chức năng khám, chữa bệnh của các trung tâm chuyên khoa về Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện. Lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tuyến tỉnh: Tiếp tục củng cố và kiện toàn 06 bệnh viện gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh. Lĩnh vực kiểm nghiệm: Kiện toàn tổ chức, bộ máy, đổi tên Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm Hà Tĩnh thành Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm. Lĩnh vực pháp y và lĩnh vực giám định Y khoa: Tiếp tục kiện toàn Trung tâm Pháp y và Trung tâm Giám định Y khoa.
Y tế tuyến huyện: Sáp nhập Trung tâm Y tế/Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Dân số-KHHGĐ và Bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cùng địa bàn thành trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng; chuyển chức năng quản lý nhà nước về dân số, y tế cho phòng Y tế cấp huyện. Chuyển Bệnh viện khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn. Chuyển Phòng khám đa khoa khu vực Đức Lĩnh thành cơ sở 2 thuộc Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang.
Y tế tuyến xã: Trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp hợp lý các trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn theo hướng bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về điều kiện địa lý; tổ chức lại trạm y tế cấp xã theo quy mô vùng 1,2,3; các trạm y tế (vùng 1) chỉ thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ và giảm số người làm việc, các trạm y tế cách xa trung tâm huyện lỵ hơn (vùng 2) và các trạm y tế nằm ở địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn (vùng 3) thì thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và được tăng cường số người làm việc. Các xã, phường, thị trấn có dân số dưới 2000 dân nếu địa bàn gần nhau, có thể xem xét bố trí 1 trạm y tế/địa bàn 2 xã, phường, thị trấn; các xã, phường, thị trấn có địa bàn gần nhau đồng thời trên địa bàn đã có bệnh viện tuyến huyện có thể xem xét bố trí 1 trạm y tế/địa bàn 2 xã, phường, thị trấn; đồng thời việc sắp xếp các trạm y tế tuyến xã gắn liền với việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp xã. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các trạm y tế xã theo Thông tư 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ về công tác Dân số-KHHGĐ trên địa bàn xã và công tác y tế học đường đối với các trường học trên cùng địa bàn. Chuyển các biên chế viên chức có trình độ chuyên môn y, dược đang thực hiện nhiệm vụ y tế học đường tại các trường học về trạm y tế và các đơn vị y tế khác còn thiếu nhân lực theo cơ cấu vị trí việc làm; mỗi trạm y tế tuyến xã bố trí 1-2 biên chế viên chức y tế thực hiện công tác dân số, nhiệm vụ y tế học đường tùy thuộc vào dân số và số trường học trên địa bàn.
Tại buổi làm việc đa phần các ý kiến thống nhất với đề án của ngành Y tế đưa ra. Đồng thời tiếp tục làm rõ một số vấn đề như: việc sắp xếp cán bộ dân số và y tế học đường vào ngành Y tế; việc quản lý theo ngành dọc hay về địa phương quản lý; cơ chế, chính sách cho cán bộ và cho ngành sau khi thực hiện sáp nhập; thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế...
Đại diện ngành Y tế, Bs. Lê Ngọc Châu cho rằng: về ý kiến chỉ đạo sáp nhập trung tâm Giám định Y khoa và Giám định Pháp Y còn vướng một số vấn đề trong việc giám định tư pháp; sau này các cơ sở y tế đều tiến tới tự chủ tài chính. Ngành Y tế có thể đáp ứng được việc bố trí cho hơn 400 cán bộ dân số, còn 117 đối tượng y tế học đường cần phải có cơ chế và là bài toán khó. Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, quan điểm của ngành là nên thực hiện quản lý thống nhất theo ngành sẽ tốt hơn.
Kết luận buổi làm việc Đ/c Đặng Quốc Khánh đánh giá cao đề án của ngành Y tế đã chuẩn bị. Quan điểm của tỉnh là việc sáp nhập phải đảm bảo hợp lý, khách quan, minh bạch. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, có cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, từng bước, đảm bảo chính sách. Tất cả giải pháp phải phân tích rõ nhất là giải pháp về con người và cơ sở vật chất.
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được thành thập theo Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, là Bệnh viện hạng II tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh, có chức năng, nhiệm vụ, cụ thể như sau: 1. Chức năng: Khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn...