Bệnh tay-chân-miệng và cách chăm sóc

Thứ ba - 12/04/2016 11:18
Nếu như cách đây khoảng mươi năm, bệnh tay-chân-miệng vẫn còn là một loại “bệnh lạ” đối với người Việt Nam thì đến nay, căn bệnh này đã trở thành nỗi lo thường trực của những ai có con nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đây cũng là độ tuổi trẻ đi học ở các nhà trẻ, mẫu giáo nên dễ bị lây lan bệnh từ các bạn. Ước tính, cứ một trẻ bị tay-chân-miệng có biến chứng nặng thì đã lây truyền cho khoảng 400 trẻ ngoài cộng đồng.

Phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời

Bệnh tay-chân-miệng do Entervirus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.

Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, trẻ lớn đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ có thể đã có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi... có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt hơn 39oC và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến tình trạng biến chứng của bệnh và cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để trễ từ 6-12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do vậy phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.
 

Tổn thương trong bệnh tay-chân-miệng.

Theo dõi sát diễn biến của bệnh

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay-chân-miệng, cần cách ly trẻ ngay với trẻ lành, khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch. Nếu trẻ đang đi học, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học và còn cần thông báo cho trường học để nhà trường cũng có biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kịp thời. Nếu bác sĩ xác định bệnh ở thể nhẹ thì cho bé về nhà theo dõi và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn. Nếu bác sĩ cân nhắc thấy cần nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi trong môi trường bệnh viện.

Dù được về nhà cũng phải theo dõi trẻ và khám lại ngay nếu có dấu hiệu trở nặng. Đặc biệt theo dõi giấc ngủ và cơn giật mình ở trẻ, nếu có. Đây là hai dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ bị biến chứng nặng. Những cơn giật mình thường xuất hiện khi trẻ thiu thiu ngủ, nhưng cũng có lúc trẻ giật mình khi hoàn toàn đang tỉnh táo, đang chơi đùa.

Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý

Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn (sữa tắm có thể không đủ khả năng diệt khuẩn). Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.

Về dinh dưỡng: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ.

Giữ vệ sinh là cách phòng chống bệnh hiệu quả nhất

Sau khi chơi đùa, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sạch khuẩn. Nhắc nhở con em mỗi khi con đưa tay hoặc cho đồ chơi vào miệng. Vệ sinh nhà cửa, các vật dụng thường xuyên. Tối thiểu 1 lần/tuần. Nếu bé đã đủ tuổi đi lớp, phụ huynh nên kết hợp với giáo viên vệ sinh sạch sẽ lớp học, nhà vệ sinh và các vật dụng, đồ chơi các bé chơi. Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh tay-chân-miệng, ngay lập tức cho trẻ nghỉ học và đưa tới trung tâm y tế để khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Cách ly trẻ với người nhà bị bệnh tay-chân-miệng. Nếu trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng, vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa như trên: vệ sinh mọi thứ xung quanh. Đặc biệt phải vệ sinh bàn tay bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước đang chảy.

Dinh dưỡng thế nào để phòng chống bệnh tay-chân-miệng

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín. Bát, đũa, thìa và các vật dụng ăn uống khác phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống...

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh tay-chân-miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Hơn nữa bệnh chưa có thuốc ngừa cũng như thuốc đặc trị, bệnh lại có thể tái đi tái lại nhiều lần do có thể nhiễm nhiều chủng virut khác nhau. Thế nên phòng bệnh cho trẻ là ưu tiên số một, nếu chẳng may trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế và thực hiện việc điều trị, theo dõi và chăm sóc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Bệnh tay-chân-miệng như mối họa lơ lửng trên đầu trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất dễ lây lan và chỉ có thể phòng tránh, chưa có thuốc ngừa cũng như thuốc đặc trị. Triệu chứng ban đầu của tay-chân-miệng: trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Triệu chứng nặng: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi vằn.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây