Tưa miệng ở trẻ sơ sinh, dùng thuốc gì?

Thứ hai - 23/04/2018 08:24
Tôi vừa sinh cháu được ít hôm thì phát hiện trong miệng bé có nhiều vết trắng ở niêm mạc miệng, nhiều nhất là ở mặt trên của lưỡi... khiến cháu hay quấy khóc và biếng ăn.

Sinh con lần đầu nên tôi rất lo lắng. Vậy tại sao cháu lại bị như vậy, có thuốc nào để bôi không?

Nguyễn Quỳnh Mai (Bắc Ninh)

Với các triệu chứng như bạn kể rất có thể cháu bị tưa miệng. Lúc đầu chỉ là những chấm trắng nhỏ mọc trên đầu lưỡi, sau đó thành đốm trắng to trên mặt lưỡi và lan sang hai bên niêm mạc má... Các vết trắng này phát triển nhanh và ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng, khó bóc và bóc đi dễ chảy máu, đau rát.

Đây là tình trạng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân có thể lây qua đường sinh dục của mẹ bị nấm trong lúc đẻ (tỷ lệ nấm Candida ở âm hộ, âm đạo phụ nữ mang thai khá cao), do thiếu vệ sinh trong khi cho con bú hoặc dụng cụ cho trẻ ăn không đảm bảo vệ sinh (chén, cốc, chai sữa nhất là đầu vú cao su không sạch), do cơ thể suy nhược (đẻ non), do dùng kháng sinh hoặc bệnh nhiễm khuẩn toàn thân làm suy kém sức đề kháng... Tình trạng trên sẽ khiến trẻ đau, quấy khóc, biếng ăn. Nếu nặng dễ dẫn tới ho, tiêu chảy, hoặc viêm phế quản...

Trước hết bạn nên đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh. Nếu đúng bị tưa lưỡi, việc dùng thuốc rất đơn giản. Bác sĩ có thể sẽ cho dùng các thuốc dạng nước hoặc dạng kem có chứa chất chống nấm như nystatin, mycostatin, miconazol...

Khi bôi thuốc cần chú ý: Trước khi bôi thuốc mẹ cần rửa tay sạch sẽ, dùng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay trỏ một lượt hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng bán sẵn; nhúng vào dung dịch thuốc (nếu là dạng nước) hoặc lấy một ít thuốc vào gạc (nếu là dạng kem) theo chỉ dẫn của bác sĩ; chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng, đưa nhẹ ngón tay chỏ vào mặt trên của lưỡi và lau từ trong lưỡi kéo ra ngoài, bỏ miếng gạc đó đi và lặp lại lần 2 nếu trẻ có nhiều mảng tưa bám (không để mảng tưa rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay quá sâu vào họng của trẻ gây kích thích nôn trớ); dùng miếng gạc khác lau mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng và cuối cùng là phần nướu của trẻ.

Đánh tưa bằng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm 4 lần/ngày và sử dụng thuốc liên tục đến khi các nốt tưa lưỡi hết hẳn, sau đó tiếp tục đánh tưa thêm 2 ngày. Việc đánh tưa cho trẻ cần tiến hành trước bữa ăn của trẻ 30 phút.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây