Khi thời tiết lạnh hoặc trở lạnh đột ngột là yếu tố hàng đầu khiến bệnh nhân dễ mắc phải viêm phổi. Ðặc biệt ở những người có cơ thể suy yếu, còi xương, người già, người nghiện rượu, bị chấn thương hoặc có bệnh lý khác phải nằm giường lâu ngày và những người có sẵn các bệnh mạn tính đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính, giãn phế quản, bệnh tai mũi họng...
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là hiện tượng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện. Bệnh khá thường gặp, hầu hết các trường hợp được điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu điều trị chậm hoặc không đúng, bệnh có thể diễn biến nặng, gây áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi hoặc thậm chí có thể tử vong.
Thông thường, bệnh khởi phát sau nhiễm lạnh hoặc cảm cúm, người bệnh đột ngột sốt cao 39-400C, đau ngực, khó thở, ho khan. Sau đó xuất hiện ho ra đờm, toàn thân mệt mỏi, hơi thở hôi, đau ngực...
Ở người già, các triệu chứng trên thường bị lu mờ, có khi không có sốt và ho không có đờm. Do vậy, chỉ với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, thở mạnh, hơi thở có mùi hôi... thì cần đưa đi chụp Xquang phổi để xác định bệnh và được điều trị kịp thời.
Nguyên tắc điều trị chung là phải xác định chủng vi khuẩn, virut hay nấm gây ra bệnh để lựa chọn thuốc điều trị cho đúng. Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị.
Ban đầu, nếu chưa có kết quả xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, việc chọn thuốc thường theo kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, kết hợp với yếu tố dịch tễ tại địa phương bệnh nhân cư trú cùng mức độ nặng, nhẹ của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh kèm theo, các tương tác, tác dụng phụ của thuốc.
Trong điều trị bệnh phổi do vi khuẩn, thời gian dùng kháng sinh thường phải từ 7 - 14 ngày tùy theo tác nhân gây bệnh. Kháng sinh thường được sử dụng là penicillin. Thuốc hấp thu nhanh nhưng không hoàn toàn qua đường tiêu hóa và được hấp thu nhiều hơn khi uống lúc đói. Riêng đối với penicilin G bị dịch vị phá hủy nên không uống được, chỉ dùng đường tiêm. Còn với penicillin V không bị dịch vị phá hủy, nên dùng được ở đường uống. Tuy nhiên, khi uống thuốc người bệnh có thể bị phát ban, tiêu chảy (đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc này gây ra). Nếu một người đã bị dị ứng với penicillin thì không được dùng bất kỳ chế phẩm thuốc nào trong nhóm này. Ngoài những biểu hiện dị ứng chung, thuốc còn gây hồng ban biến đổi hoặc vẩy nến, có thể xuất hiện sớm sau 2 - 4 ngày uống thuốc, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn sau 9 - 10 ngày. Do vậy, các bệnh nhân bị các bệnh tự miễn không nên sử dụng…
Trong trường hợp đã xác định viêm phổi do virut, nấm hoặc ký sinh trùng, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị đặc hiệu cho từng trường hợp. Có thể cân nhắc sử dụng phối hợp kháng sinh tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau hạ sốt, bồi phụ nước điện giải, giảm ho, long đờm, kết hợp vỗ rung, dẫn lưu đờm…
Thông thường, bệnh nhân viêm phổi được điều trị ngoại trú nếu không có các dấu hiệu nặng của bệnh. Điều trị tại bệnh viện khi bệnh nhân có một trong các dấu hiệu: thở nhanh, tím môi, đầu ngón chân, ngón tay; mạch nhanh; rối loạn ý thức: lú lẫn, nói lảm nhảm, la hét, co giật; sốt cao trên 400C hoặc nhiệt độ cơ thể hạ quá thấp.
Dự phòng bệnh viêm phổi bằng cách giữ gìn sức khỏe, luôn giữ ấm trong thời tiết lạnh. Với người già và trẻ em, trong những ngày lạnh không nên ra ngoài trời nhiều, giữ sạch nơi ở, không hút thuốc; Nên đeo khẩu trang, súc họng bằng nước muối để phòng các bệnh mũi họng. Nếu không may bị viêm đường hô hấp trên, cần điều trị tích cực để phòng lan xuống phế quản - phổi. Ăn đầy đủ các chất đạm, vitamin, chất khoáng để tăng cường sức đề kháng. Có chế độ lao động, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục hợp lý, tránh lạnh đột ngột. Cần phải đi khám bệnh ngay nếu thấy các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị viêm phổi để được chẩn đoán và điều trị ngay từ sớm… Ngoài ra, tiêm vaccin là một trong những biện pháp dự phòng viêm phổi có hiệu quả nhất.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được thành lập vào năm 1957, tiền thân là bệnh xá Linh Cảm gồm 30 giường bệnh. Giai đoạn từ 1957 đến 1962: Do Bs Nguyễn Huy Thiệu làm Bệnh xá Trưởng Giai đoạn từ 1962 đến 1968: Do Bs Nguyễn Văn Dậu Làm Giám đốc Giai đoạn từ 1968 đến 1973: Do Bs...